13.9.19

Nhiem-vu-giam-sat-thi-cong-cong-trinh-dien

Post oleh : Tinh150850 | Rilis : 23:06 | Series :

Nhiệm vụ giám sát thi công công trình điện

Trả lời câu hỏi: Nhiệm vụ của kỹ sư Giám sát thi công công trình điện phải làm những gì trong thực tế, trách nhiệm, quyền hạn là gì?

Giam-sat-thi-cong-cong-trinh-dien

1) Mục đích, yêu cầu: 


1.1. Cung cấp các kiến thức thực tế nhất về công tác giám sát thi công cho người trực tiếp làm giám sát thi công của chủ đầu tư (gọi là “Giám sát A”) hoặc cho người làm công tác giám sát thi công của nhà thầu thi công (gọi là “Giám sát B”).
1.2. Người làm công tác giám sát thi công phải hiểu được nội dung cần thực hiện khi làm công tác giám sát và hiểu được phạm vi, quyền hạn của mình trong quá trình thực hiện giám sát.

2)  Khái quát

Theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng hiện hành thì mỗi công  trình thi công xây dựng, chủ đầu tư đều phải thực hiện công tác giám sát thi công để đảm bảo cho công trình được thi công đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, an toàn,  phù hợp với quy trình, quy phạm của nhà nước, của ngành, đảm bảo tiến độ thi công đã ký với đơn vị thi công.

Thông thường việc thực hiện công tác giám sát có tối thiểu 2 đơn vị:

2.1. Giám và thi công của chủ đầu tư (gọi là giám sát A): 
     Chủ đầu tư phân công người của mình trực tiếp làm công tác giám sát công trình. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực chuyên môn trong lĩnh vực này thì có thể thuê một đơn vị khác có chức năng nhiệm vụ, có chứng chỉ hành nghề độc lập phù hợp với công việc để thực hiện giám sát.

2.2. Giám sát của nhà thầu thi công (gọi là giám sát B): 
     Nhà thầu thi công phải phân công người của mình thường xuyên tại công trường để thực hiện công tác giám sát công trình. Đảm bảo cho công trình được thi công đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng quy trình, quy phạm, an toàn.
Ngoài ra có thể có các giám sát của các cơ quan quản lý chuyên ngành cùng tham gia gám sát.
      Lưu ý: Các bên giám sát thực hiện công việc của mình là độc lập.

3) Yêu cầu chuyên môn đối với người làm giám sát 

3.1. Với giám sát A
+ Có bằng cấp chuyên môn phù hợp
+ Có kinh nghiệm trong công tác thi công xây lắp công trình, giám sát thi công xây lắp công trình(hoặc đã được đào tạo về nghiệp vụ giám sát thi công công trình) và đã được cấp "Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát..." phù hợp với công việc chuyên môn. 

3.2. Với giám sát B
+ Có bằng cấp chuyên môn phù hợp
+ Có kinh nghiệm về thi công công trình hoặc có kinh nghiệm trong công tác tư vấn thiết kế, giám sát thi công(hoặc đã được đào tạo về nghiệp vụ giám sát thi công công trình); Nắm vững quy trình, quy phạm trong lĩnh vực chuyên ngành.
.
4) Nhiệm vụ chính của người làm giám sát thi công

4.1. Kiểm tra chất lượng vật tư, thiết bị đưa vào công trình (bao gồm chủng loại, thông số kỹ thuật, xuất xứ hàng hoá, chứng chỉ chất lượng, các biên bản thử nghiệm v.v…) có phù hợp với hồ sơ thiết kế, phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu không ?
4.2. Kiểm tra sự phù hợp với quy trình quy phạm khi nhà thầu thi công thực hiện các công việc hoặc hạng mục công trình.
4.3. Kiểm tra chất lượng, khối lng công việc, hạng mục công trình.
4.4. Phối hợp với đơn vị thi công xử lý những vướng mắc về chuyên môn, về các thủ tục khác phát sinh trong quá trình thi công, gửi kiến nghị với chủ đầu tư hoặc tư vấn thiết kế để giải quyết các vướng mắc(nếu có);
4.5. Ghi những ý kiến nhận xét về kỹ thuật, về khối lượng, về các phát sinh thay đổi thiết kế (nếu có) v.v.. vào nhật ký công trường.
4.6. Lập các biên bản về thay đổi, phát sinh khối lượng so với hồ sơ thiết kế (nếu có)
4.7. Ký các biên bản nghiệm thu vật tư, thiết bị đưa vào công trình, biên bản nghiệm thu công việc, nghiệm thu hạng mục công trình, nghiệm thu giai đoạn thi công … theo quy định,
4.8. Kiểm soát và ký biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện cho hạng mục công trình, khối lợng thi công hoàn thành công trình,
4.9. Ký các biên bản nghiệm thu chạy thử không tải, nghiệm thu đóng điện v.v…

5) Quyền hạn của người làm giám sát thi công

5.1. Quyền không chấp nhận cho đưa vào công trình (tức là không ký biên bản nghiệm thu) các vật tư, thiết bị không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật so với hồ sơ thiết kế, so với hồ sơ yêu cầu hoặc hồ sơ mời thầu.
5.2. Quyền buộc nhà thầu thi công tạm dừng thi công khi nhà thầu thực hiện thi công công việc không tuân thủ quy trình quy phạm và các yêu cầu của hồ sơ thiết kế hoặc của hồ sơ mời thầu hoặc của hồ sơ dự thầu (lập biên bản hiện trờng).
5.3. Quyền kiến nghị với chủ đầu tư, với nhà thầu tư vấn thiết kế thay đổi, bổ sung thiết kế nếu phát hiện thiết kế có sai sót hoặc không phù hợp với thực tế trên công trờng hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba… 

6) Nội dung công tác kiểm tra, giám sát thi công chi tiết 

6.1. Phần đường dây trên không

6.1.1. Kiểm tra, giám sát việc bàn giao tim mốc trên thực địa, đối chiếu với hồ sơ thiết kế thi công.
6.1.2. Kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, tập kết, bảo quản vật tư thiết bị đưa vào công trình nhằm đảm bảo chất lượng, số lượng, an toàn cho vật tư, thiết bị và con người trên công trường.
6.1.3. Kiểm tra, giám sát việc đào đất móng cột:
6.1.4. Kiểm tra sự chính xác của tim móng trước khi đào hố móng,
6.1.5. Đào đất móng cột đúng quy trình, đúng kích thước hình học theo bản vẽ thiết kế. Việc đào đất phải đảm bảo an toàn, chống sạt lở hoặc làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận khác.
6.1.6. Chú ý đến độ sâu đáy móng nhằm đạt yêu cầu như bản vẽ thiết kế. 
6.1.7. Kiểm tra, giám sát việc đổ bê tông móng cột gồm:
+ Kiểm tra sự chính xác của tim móng trước khi đổ bê tông,
+ Kiểm tra công tác chế tạo, lắp ghép cốt pha móng(nếu có)
+ Kiểm tra chất lượng cốt liệu trước khi đổ bê tông,
+ Kiểm tra máy móc, dụng cụ chuyên dùng phục vụ cho công tác đổ bê tông,
+ Kiểm tra cấp phối bê tông (dựa vào bản vẽ thiết kế và các quy định về cấp phối bê tông để kiểm tra cân đong đo đếm số lượng, khối lượng từng loại cốt liệu cho mỗi loại móng cụ thể),
+ Kiểm tra công tác nhào, trộn, đổ, đầm đúng quy trình đảm bảo chất lượng,
+ Kiểm tra kích thước hình học của móng sau khi đổ xong,
+ Kiểm tra việc đắp đất móng cột.
+ Kiểm tra, giám sát việc lắp dựng cột:
+ Kiểm tra lại chất lượng, chủng loại cột trước khi lắp dựng cột,
+ Kiểm tra công tác lắp ghép, căn chỉnh mặt bích (nếu có)
+ Kiểm tra thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho công tác lắp dựng cột, xác định tính phù hợp của chúng với điều kiện thi công cụ thể tại công trường và đảm bảo điều kiện an toàn tốt nhất,
+ Kiểm tra, giám sát việc lắp xà, cách điện
+ Kiểm tra lại chất lượng, chủng loại xà, cách điện trước khi lắp đặt,
+ Kiểm tra khoảng cách, độ cao lắp các loại xà trên cột cho phù hợp với mỗi vị trí cột,

6.1.8. Kiểm tra, giám sát việc rải, kéo dây lấy độ võng dây dẫn:
+ Kiểm tra lại chất lượng dây dẫn trước khi rải dây, trước khi rải ra dây dây dẫn phải đang nằm trong rulô, không bị tỡ, trầy xước, đứt sợi ...,
+ Kiểm tra máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho việc rải dây, kéo dây lấy độ võng,
+ Kiểm tra, giám sát quy trình, biện pháp rải dây, kéo dây lấy độ võng,
+ Kiểm tra độ võng theo yêu cầu của thiết kế,
+ Kiểm tra các điểm đấu nối dây dẫn (khoảng cách fa-fa, fa-đất), lắp đặt dây dẫn vào cách điện đứng, cách điện chuỗi, các khoá néo hãm dây…
6.1.9. Kiểm tra, giám sát việc lắp đặt tiếp địa đường dây:
+ Kiểm tra lại quy cách, chất lượng, số lượng các chi tiết bộ tiếp địa trước khi lắp đặt,
+ Kiểm tra việc đào rãnh tiếp địa,
+ Kiểm tra việc đóng cọc tiếp địa,
+ Kiểm tra việc đấu nối tiếp địa,
+ Giám sát việc đo điện trở tiếp địa  
6.1.10. Kiểm tra, giám sát việc lắp đặt néo cột:
+ Kiểm tra lại quy cách, chất lượng, số lượng các chi tiết bộ néo cột tước khi lắp đặt,
+ Kiểm tra xác định chuẩn hướng néo
+ Kiểm tra công tác đào đất móng néo, đổ bê tông móng néo, công tác lắp đặt néo.
6.1.11. Kiểm tra, giám sát công tác hoàn thiện phần đường dây:
Đắp đất lốc cột, sơn đánh số kẻ biển cột, treo các biển báo, hoàn thiện mặt bằng thi công v.v…

6.2. Phần trạm biến áp

6.2.1. Kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, tập kết, bảo quản vật tư thiết bị đưa vào công trình nhằm đảm bảo chất lượng, số lượng, an toàn cho vật tư, thiết bị và con người trên công trường.
6.2.2. Kiểm tra quy cách, chất lư¬ợng các cấu kiện chế tạo sẵn đưa vào công trình, 
6.2.3. Kiểm tra, giám sát công tác đào đúc móng cột trạm (tương tự với phần đường dây trên không)
6.2.4. Kiểm tra, giám sát dựng cột trạm (tương tự phần đường dây, trong đó chú ý đến khoảng cách tim 2 cột trạm)
6.2.5. Kiểm tra, giám sát lắp đặt xà dàn trạm:
+ Kiểm tra lại quy cách, chất lượng các chi tiết các bộ xà dàn trạm trước khi  lắp đặt,
+ Kiểm tra biện pháp thi công để đảm bảo an toàn,
+ Kiểm tra khoảng cách các bộ xà giàn trạm, đảm bảo độ chắc chắn & chính xác…
6.2.6. Kiểm tra, giám sát lắp đặt thiết bị trạm:
+ Kiểm tra lại quy cách, chất lượng các thiết bị trước khi lắp đặt (Cầu dao, cầu chì, chống sét, tủ điện v.v…),
+ Kiểm tra biện pháp thi công để đảm bảo an toàn cho thiết bị và con người, đảm bảo độ chắc chắn & chính xác…
+ Kiểm tra, giám sát đấu nối tại trạm biến áp như: Kiểm tra lại quy cách, chất lượng các chi tiết các dây dẫn, thanh dẫn, đầu cáp, đầu cốt v.v… trước khi lắp đặt; Kiểm tra, giám sát việc thao tác thử các thiết bị như cầu dao, cầu chì, áp tômat, đảm bảo làm việc an toàn, chắc chắn; Kiểm tra, giám sát công tác hoàn thiện phần trạm biến áp: Đánh số kẻ biển tên trạm, treo các biển báo, thu dọn, hoàn thiện mặt bằng thi công v.v…

7) Những điều cần lưu ý khi thực hiện giám sát thi công 

+ Với phần khối lượng công việc ngầm (như đúc móng cột, móng néo, móng máy, lắp đặt cáp ngầm, đóng cọc, rải dây tiếp địa v.v…), người giám sát cần có mặt tại công trường với 100% thời gian thi công để kiểm tra, giám sát & lập biên bản tại chỗ hoặc ghi vào nhật ký công trường về chất lượng, số lượng, kích thước các cấu kiện phần việc đã thi công trước khi tiến hành lấp đất và thực hiện các bước tiếp theo để thuận tiện cho công tác nghiệm thu sau này.

+ Với phần khối lượng công việc khác không nhất thiết người giám sát phải có mặt 100% thời gian thi công. Tuy nhiên phải thường trực để sẵn sàng giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công của nhà thầu để kịp thời đáp ứng tiến độ, đồng thời làm công tác kiểm tra nghiệm thu phần công việc đã hoàn thành hoặc hạng mục đã hoàn thành để nhà thầu chuyển bước tiếp theo.

8) Các biên bản người giám sát thi công phải ký:

+ Biên bản nghiệm thu vật tư, thiết bị đầu vào (trước khi đưa vào công trình);
+ Biên bản nghiệm thu công việc (như: đào hố móng, đúc móng cột, dựng cột, rải kéo dây lấy độ võng, kéo rải cáp ngầm, lắp xà dàn trạm, lắp máy biến áp v.v…)
+ Biên bản nghiệm thu hạng mục công trình (như: Lắp đặt nhánh đờng dây trên không; Lắp đặt nhánh cáp ngầm trung thế; Lắp đặt trạm biến áp phân phối v.v…)
+ Biên bản nghiệm thu giai đoạn (nếu công trình thi công được chia thành nhiều giai đoạn). Tại đây phải nếu được khối lượng công việc chủ yếu đã hoàn thành, chất lượng và chú ý ghi những vấn đề còn tồn tại và yêu cầu nhà thầu tiếp tục khắc phục trước ngày nghiệm thu kỹ thuật.
+ Biên bản nghiệm thu kỹ thuật toàn công trình (Nghiệm thu nguội)
+ Biên bản nghiệm thu đóng điện, chạy thử công trình
+ Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình trước khi đưa vào bàn giao sử dụng.

Ghi chú:
     Trong mỗi biên bản nghiệm thu công việc hoặc hạng mục công trình đều phải nêu được 2 nội dung chính: chất lượng, khối lượng công tác đã hoàn thành, đồng ý hay không đồng ý cho chuyển công việc tiếp theo.

     Tài liệu hỗ trợ đắc lực nhất cho Kỹ sư giám sát là: tập
 "Quy phạm trang bị điện"

-$-

google+

linkedin