3.9.19

Ky-thuat-thi-cong-xay-lap-cong-trinh-dien

Post oleh : Tinh150850 | Rilis : 17:36 | Series :

Ky-thuat-thi-cong-xay-lap-cong-trinh-dien

I/- Nội dung công tác thi công xây lắp công trình đường dây và trạm biến áp trung áp


a) Phần đường dây trên không:

1) Công tác chuẩn bị triển khai thi công công trình
2) Công tác giao tuyến
3) Công tác kiểm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công
4) Công tác bốc tách khối lượng vật tư, thiết bị phục vụ mua sắm, gia công chế tạo cấu kiện
5) Công tác giải phóng mặt bằng công trình
6) Công tác đào đất hố móng, đúc đổ móng cột
7) Công tác dựng cột
8) Công tác lắp đặt xà, cách điện, tiếp địa, phụ kiện khác
9) Công tác rải, kéo dây, lấy độ võng

Thi-cong-duong-day-tren-khong
Tuyến dây 35kV lắp cách điện chuỗi

b) Phần trạm biến áp:

Từ mục 1-:-7 áp dụng tương tự như phần đường dây trên không.

10) Công tác lắp đặt xà dàn trạm và các cấu kiện
11) Công tác lắp đặt máy biến áp và thiết bị trạm
12) Công tác thử nghiệm thiết bị tại trạm
13) Công tác hoàn thiện Hồ sơ hoàn công
14) Công tác nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu đóng điện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình đưa vào sử dụng

Ghi chú: Có nhiều kiểu TBA khác nhau, tuy nhiên khối lượng công việc về cơ bản tương tự nhau. Sẽ đề cập chi tiết riêng mỗi kiểu ở phần sau.


Thi-cong-tram-bien-ap-phan-phoi
Hai kiểu TBA phân phối trên cột
II/ Nội dung chi tiết các bước thi công công trình

1) Công tác chuẩn bị triển khai thi công công trình

+ Nhận hồ sơ thi công, kiểm đếm về số lượng: Người làm kỹ thuật thi công công trình của nhà thầu thi công tiếp nhận hồ sơ thi công và kiểm tra số lượng. Trong đó hồ sơ thi công cần có gồm: Bộ thiết kế bản vẽ thi công(TKBVTC), gồm: Tập bản vẽ TKTC; Tập thuyết minh TKBVTC; Tập tổng dự toán công trình.
Ngoài ra kỹ thuật thi công cần có thêm: Hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất(nếu là công trình chỉ định thầu) hoặc hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu(nếu là công trình đấu thầu rộng rãi); Các văn bản phê duyệt dự án đầu tư(DAĐT), phê duyệt TKBVTC; Hợp đồng thi công xây lắp v.v...
+ Kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ TKBVTC để nắm được địa điểm, đặc điểm về quy mô, tính chất công trình đồng thời phát hiện những sai sót thể hiện trên hồ sơ thi công nếu có, để có thể đề xuất, kiến nghị nhân hội nghị giao tuyến thi công sắp tới.

2) Công tác giao tuyến
+ Thống nhất với chủ đầu tư(CĐT), phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế(TVTK), tư vấn giám sát(TVGS) tiến hành hội nghị bàn giao tim mốc công trình trên thực địa, gọi là hội nghị giao tuyến.
+ Trong quá trình giao tuyến, cán bộ kỹ thuật thi công cần kiểm tra rà soát theo BVTKTC để phát hiện những sai khác, những khó khăn(nếu có) rồi để đề xuất, kiến nghị ngay với CĐT hoặc nhà thầu TVTK và xin hướng xử lý.
+ Ba, bốn bên cùng lập "Biên bản giao tuyến"

3) Công tác kiểm tra chi tiết hồ sơ TKBVTC sau giao tuyến

+ Căn cứ biên bản giao tuyến được lập tại hội nghị giao tuyến, cập nhật các thay đổi thiết kế vào bộ hồ sơ thiết kế.
+ Kiểm tra, rà soát các bản vẽ chi tiết chế tạo các cấu kiện, chỉnh sửa sai sót trước khi đặt gia công chế tạo.
+ Kiểm tra, rà soát khối lượng vật tư, thiết bị trong dự toán công trình, đối chiếu với bản vẽ thiết kế thi công để phát hiện và hiệu chỉnh các sai sót về số lượng, quy cách, chủng loại...

4) Công tác bốc tách khối lượng vật tư, thiết bị phục vụ mua sắm, gia công chế tạo cấu kiện

+ Căn cứ dự toán công trình đã được cập nhật, sửa chữa sai sót, bốc tách khối lượng theo từng hạng mục riêng như: Vật tư mua sắm, thiết bị mua sắm, cấu kiện đặt gia công chế tạo, vật tư(đã có) tại kho v.v...

5) Công tác giải phóng mặt bằng công trình

+ Phối hợp với chủ đầu tư thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng với khối lượng như đã thỏa thuận tại hội nghị giao tuyến. Công tác này thực hiện song song với công tác chuẩn bị mua sắm, tập kết vật tư, thiết bị.
+ Lập các biên bản cần thiết trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng

6) Công tác đào đất hố móng, đúc đổ móng cột

+ Kiểm tra sự chính xác của tim móng trước khi đào hố móng.
+ Đào hố móng đúng quy trình, kích thước theo bản vẽ thiết kế về kích thước hình học, chú ý kiểm tra độ sâu đáy móng Việc đào hố móng phải đảm bảo an toàn, chống sạt lở có thể ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
+ Kiểm tra lại, đảm bảo sự chính xác của tim móng trước khi đổ bê tông móng.
+ Lắp ghép cốt pha, kiểm tra lại các kích thước hình học
+ Kiểm tra các cốt liệu bê tông về chất lượng, số lượng trước khi nhào trộn đổ đầm bê tông móng.
+ Kiểm tra máy móc, dụng cụ phục vụ công tác nhào trộn, đổ, đầm bê tông như: Máy trộn bê tông, đầm dùi, đầm bàn, xe vận chuyển, máng, máy nổ(nếu không có điện lưới) v.v...
+ Kiểm tra cấp phối bê tông theo quy định trong hồ sơ thiết kế để thực hiện đúng trước khi đưa vữa bê tông xuống hố móng.
+ Sau khi đổ móng xong, kiểm tra lại kích thước hình học của móng.

7) Công tác dựng cột

+ Kiểm tra lại chất lượng cột, kiểm tra nối cột mặt bic(nếu có) trước khi tiến hành dựng cột
+ Kiểm tra dụng cụ phương tiện máy móc phục vụ dựng cột có phù hợp với phương án dựng cột đã lập hay không cũng như có phù hợp với điều kiện mặt bằng hiện trường không(như: tời, tó, palang-với dựng cột bằng thủ công hoặc cẩu-nếu dựng cột bằng cơ giới kết hợp thủ công) nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người, cho các công trình lân cận và cho thiết bị khác.

8) Công tác lắp đặt xà, cách điện, tiếp địa, phụ kiện khác

Kiểm tra lại số lượng, chất lượng xà, cách điện, cấu kiện trước khi tiến hành lắp đặt
+ Kiểm tra dụng cụ phương tiện máy móc phục vụ lắp xà, cách điện, phụ kiện có phù hợp với phương án đã lập chưa(dây chão, tời, các dụng cụ cầm tay...)
+ Lắp xà, cách điện, cấu kiện cho mỗi vị trí cột như bản vẽ thiết kế.
+ Kiểm tra lại khoảng cách các xà, cấu kiện đã lắp

9) Công tác rải, kéo dây, lấy độ võng

Kiểm tra lại số lượng, chủng loại, chất lượng dây dẫn trước khi tiến hành rải dây
+ Kiểm tra dụng cụ phương tiện máy móc phục vụ rải kéo dây có phù hợp với phương án thi công đã lập chưa, có phù hợp với điều kiện thực tế công trường không như dụng cụ rải dây, tời máy, tời tay. dây chằng buộc, dây néo tạm v.v...
+ Tiến hành ra rải dây, kéo dây lấy độ võng, lắp khóa néo dây tại các vị trí góc, hãm, néo  v.v...
   
     Chú ý: Khi rải, kéo dây không được để dây dẫn trượt trên mặt xà làm trầy xước dây mà dây dẫn phải được luồn qua ròng rọc trên mỗi vị trí cột. Kiểm tra độ võng tại các khoảng cột đại biểu của từng khoảng néo đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế. 

10) Công tác lắp đặt xà dàn trạm và các cấu kiện

Thực hiện tương tự phần đường dây trên không.
+ Kiểm tra khoảng cách các xà, giá đỡ, cấu kiện sau khi lắp đảm bảo đúng theo BVTKTC
+ Lưu ý: Trong trường hợp máy biến áp hoặc các thiết bị trạm đã được đưa vào trạm khi lắp đặt xà, cấu kiện cần phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho MBA và thiết bị, nhất là với các kiểu TBA trên cột, TBA mặt đất ... tránh sự va đập làm hỏng sứ mặt MBA.

11) Công tác lắp đặt máy biến áp và thiết bị trạm

+ Kiểm tra lại các thông số cơ bản của thiết bị trước khi lắp đặt lên TBA, tránh nhầm lẫn chủng loại, cấu hình(nhất là các dự án có nhiều loại, kiểu TBA)
+ Lắp đặt thiết bị trạm rất quan trọng, nhất là MBA, tủ phân phối... trong khâu an toàn. Tuân thủ thực hiện các biện pháp an toàn đã được đề ra trong phương án thi công nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị.
+ Kiểm tra lần cuối để đảm bảo rằng thiết bị đã được cố định chắc chắn.
+ Tiến hành đấu nối TBA

12) Công tác thử nghiệm thiết bị tại trạm

     Công tác thí nghiệm thiết bị trạm cũng như thiết bị phần đường dây(nếu có) được thực hiện cho mỗi công trình thông qua một bản hợp đồng được ký kết giữa nhà thầu thi công xây lắp với một đơn vị độc lập có tư cách pháp nhân làm công tác thử nghiệm này.
     Với TBA, các vật tư, thiết bị cần phải thử nghiệm thường gồm: cách điện, cầu dao, cầu chì, chống sét, cáp điện; Các thiết bị khí cụ tủ phân phối  như aptomat, biến dòng, ampe kế, vol kế v.v... Các vật tư thiết bị này thường được thí nghiệm trước khi đưa đến công trường lắp đặt. Riêng MBA ngoài thí nghiệm xuất xưởng thì sau khi lắp đặt cố định vào TBA phải thử nghiệm tại chỗ một lần nữa.
     Kỹ sư kỹ thuật thi công cần tập hợp đầy đủ các biên bản thử nghiệm này trước khi đề nghị hội đồng nghiệm thu đến nghiệm thu công trình.

13) Công tác hoàn thiện Hồ sơ hoàn công

     Song song với công tác lắp đặt hoàn thiện trên công trường kỹ sư kỹ thuật thi công của nhà thầu thi công phải hoàn thiện bộ "Hồ sơ hoàn công công trình". Nội dung hồ sơ hoàn công gồm các mục chính sau: 
     - Tập bản vẽ hoàn công(đã chỉnh sửa theo thực tế đã thi công) có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát, đại diện chủ đầu tư.
    - Bảng kê khối lượng công tác hoàn thành, có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát, của đại diện chủ đầu tư
    - Tập các biên bản nghiệm thu: Nghiệm thu công việc, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu đóng điện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành v.v...

14) Công tác nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu đóng điện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình đưa vào sử dụng

     Ngoài các cuộc nghiệm thu diễn ra trong quá trình thi công như nghiệm thu công việc hoàn thành, nghiệm thu hạng mục hoàn thành, nghiệm thu giai đoạn còn có 3 cuộc nghiệm thu quan trọng khi công trình đã được nhà thầu thi công hoàn thành đó là:
+ Nghiệm thu kỹ thuật(hay còn gọi là nghiệm thu nguội): Tại cuộc nghiệm thu này hội đồng nghiệm thu sẽ đơn thuần kiểm tra về kỹ thuật của các hạng mục nhà thầu thi công đã thực hiện, phát hiện những sai sót, tồn tại và đề xuất các giải pháp khắc phục, lập thành biên bản yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục.
+ Nghiệm thu đóng điện: Sau khi nhà thầu thi công hoàn thiện việc khắc phục những sai sót nêu trong biên bản của cuộc nghiệm thu kỹ thuật, nhà thầu báo chủ đầu tư để lên lịch nghiệm thu đóng điện. Tại cuộc nghiệm thu này bộ phận kỹ thuật của hội đồng sẽ kiểm tra lần cuối và yêu cầu nhà thầu khắc phục ngay các tồn tại(nếu có) sau đó làm thủ tục đóng điện cho công trình theo quy trình của ngành điện.
+ Nghiệm thu khối lượng hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng: Lần này hội đồng nghiệm thu tập trung vào việc kiểm tra, xác nhận khối lượng hoàn thành cho nhà thầu thi công từng hạng mục, lập biên bản, làm tài liệu để cho nhà thầu thanh quyết toán sau này.

***

google+

linkedin